Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán, kế toán doanh nghiệp có thể phạm phải những sai sót nhất định. Các sai sót này ảnh hưởng đến tính trung thực, hợp lý của thông tin kế toán; Đồng thời có thể ảnh hưởng tới nghĩa vụ pháp lý của DN đối với Ngân sách Nhà nước (NSNN).
TS. Lưu Đức Tuyên – Học viện Tài chính
Nhận diện các sai sót của kế toán
Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 29 thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và sai sót xác định sai sót có thể phát sinh từ việc ghi nhận, xác định giá trị, trình bày và thuyết minh các khoản mục trên Báo cáo tài chính; trong đó:
– Sai sót phát sinh từ việc ghi nhận các khoản mục bao gồm sai sót trong việc ghi nhận các khoản mục tài sản, nợ phải trả, thu nhập, chi phí khi chưa thỏa mãn các điều kiện mà kế toán chưa ghi nhận để trình bày trên BCTC trong kỳ.
– Sai sót trong việc xác định giá trị các khoản mục bao gồm các sai sót do tính toán, xác định giá gốc, phân bổ giá gốc các khoản mục tài sản, nợ phải trả, xác định thu nhập, chi phí…
– Sai sót trong phân loại, trình bày và thuyết minh về các khoản mục bao gồm sai sót do sử dụng sai tài khoản, ghi sai quan hệ tài khoản dẫn đến trình bày trên BCTC không đúng khoản mục và các sai sót do thuyết minh không đầy đủ theo quy định.
Đặc điểm các sai sót trong kế toán
Để nắm bắt được ảnh hưởng của các sai sót và áp dụng các phương pháp xử lý sai sót phù hợp, cần phải hiểu rõ những đặc điểm của các sai sót trong áp dụng chính sách, sai sót trong tính toán, diễn giải
Hai, Sai sót kế toán thường có ảnh hưởng mang tính hệ thống. Điều này xuất phát từ mối quan hệ của các đối tượng kế toán và tính logic của chu trình kế toán. Do vậy, sai sót kế toán thường không mang tính đơn lẻ. Kế toán DN phải nhận diện và xử lý các sai sót một cách có hệ thống.
Ba, sai sót kế toán có thể dẫn đến sai sót trong kê khai, quyết toán nghĩa vụ thuế của DN đối với NSNN. Do vậy, việc xử lý sai sót cần được tiếp cận từ góc độ chuẩn mực kế toán và từ góc độ các quy định của chính sách thuế Nhà nước.
Thực trạng xử lý sai sót kế toán của các DN hiện nay
Với việc các hoạt động kinh tế tài chính phát sinh ngày càng đa dạng, các quy định về kế toán ngày càng phức tạp, việc các DN gặp phải những sai sót trong kế toán là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong việc xử lý các sai sót kế toán tại các DN hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục:
Một là, Nhiều DN chưa phân loại sai sót một cách phù hợp để lựa chọn áp dụng phương pháp xử lý thích hợp. Các sai sót kế toán thường được xử lý theo cùng một phương pháp là điều chỉnh trực tiếp vào sổ kế toán kì phát hiện ra sai sót.
Hai là, việc công bố và thuyết minh về sai sót trong kế toán còn rất hạn chế dẫn đến làm giảm tính minh bạch và khả năng so sánh của thông tin kế toán. Đa số các DN không thuyết minh về các sai sót trên các BCTC.
Ba là, nhiều kế toán và DN còn nhầm lẫn giữa các sai sót kế toán với các sai sót trong sử dụng thông tin kế toán chấp hành chính sách thuế. Chính vì vậy, các DN còn nhầm lẫn trong việc xử lý sai sót liên quan đến sử dụng thông tin kế toán cho mục đích kê khai, quyết toán thuế với NSNN.
Xuất phát từ tình trạng trên, chúng tôi cho rằng, việc phân loại và xử lý các sai sót cần phải được thực hiện một cách triệt để để trên cơ sở các quy định của luật và chuẩn mực kế toán hiện hành.
Yêu cầu của việc xử lý sai sót kế toán là phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và nhất quán, đảm bảo người sử dụng thông tin kế toán hiểu đúng bản chất và ảnh hưởng của sai sót đến số liệu trên BCTC của DN. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 29, để xử lý sai sót, kế toán cần xem xét mức độ ảnh hưởng của sai sót và phân biệt các loại sai sót (bảng 1).
Bảng 1
Quy trình áp dụng thủ tục hồi tố có thể khái quát như sau:
– Xác định ảnh hưởng của sai sót đến các yếu tố trên BCTC của các năm bị ảnh hưởng, bao gồm ảnh hưởng của sai sót đến số liệu từng năm và ảnh hưởng có tính lũy kế đến các chỉ tiêu của BCTC.
– Điều chỉnh ảnh hưởng lũy kế đến đầu năm hiện tại của sai sót đối với các yếu tố vào số dư đầu năm hiện tại của các tài khoản kế toán bị ảnh hưởng (Điều chỉnh tăng hoặc giảm số dư bị ảnh hưởng).
– Điều chỉnh số liệu được sử dụng để lập các cột thông tin so sánh của báo cáo năm hiện tại.
– Thuyết minh bản chất của sai sót đã được phát hiện. Đồng thời công bố điều chỉnh số liệu so sánh của các kỳ báo có bị ảnh hưởng bởi sai sót (Số liệu điều chỉnh được công bố dưới dạng một phụ lục của thuyết minh).
Xử lý sai sót theo pháp luật thuế hiện hành.
Thông thường, các sai sót trong quá trình ghi sổ và lập BCTC của kế toán có thể dẫn đến sai sót về nghĩa vụ thuế của DN. Với các sai sót này, về góc độ quản lý thuế, DN phải xác định ảnh hưởng lũy kế của các sai sót này đến nghĩa vụ thuế phải nộp và phải kê khai bổ sung vào các tờ khai thuế một cách kịp thời. Nếu là sai sót trong kỳ của kế toán, phát hiện trước khi tờ khai quyết toán thuế được nộp, DN phải thực hiện điều chỉnh vào tờ khai trước khi nộp cho cơ quan Thuế quản lý.
Nếu là sai sót các kỳ trước, được phát hiện kỳ này, DN phải xác định ảnh hưởng lũy kế của sai sót đến nghĩa vụ thuế và thực hiện kê khai bổ sung, đồng thời tự xác định các khoản phạt vi phạm hành chính, lãi chậm nộp thuế (nếu có) và thực hiện nộp thuế bổ sung, tiền phạt kịp thời theo quy định hiện hành.
Cùng với sự phát triển của các quan hệ kinh tế – tài chính theo hướng ngày càng đa dạng, hệ thống chuẩn mực kế toán cũng ngày càng phức tạp hơn. Các sai sót phát sinh trong công tác kế toán là điều khó tránh khỏi đối với các DN. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế ở Việt Nam, nguồn nhân lực về kế toán ở các DN còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc hiểu và thống nhất áp dụng quy trình và phương pháp điều chỉnh các sai sót theo các chuẩn mực kế toán sẽ đảm bảo việc khắc phục các sai sót được công khai, minh bạch, giảm thiểu ảnh hưởng của sai sót đối với người sử dụng thông tin cũng như đảm bảo DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế đối với Ngân sách Nhà nước.
(Theo TCKT&KT)