04 chính sách về Thuế – Phí – Lệ phí có hiệu lực từ tháng 01/2022

0

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giới thiệu 04 chính sách về Thuế – Phí – Lệ phí có hiệu lực từ tháng 01/2022.
>> Toàn bộ 06 Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022
>> 06 chính sách mới về BHXH, tuổi nghỉ hưu năm 2022
Mục lục bài viếtMục lục bài viết
1. Giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khó khăn Covid-19
2. Cá nhân cho thuê tài sản có doanh thu dưới 100 triệu/năm không phải nộp thuế
3. Lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc sẽ bị xử phạt.
4. Sửa quy định về lệ phí đăng ký hộ tịch
04 chính sách về Thuế – Phí – Lệ phí có hiệu lực từ tháng 01/2022

04 chính sách về Thuế – Phí – Lệ phí có hiệu lực từ tháng 01/2022 (Ảnh minh họa)

1. Giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khó khăn Covid-19
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khó khăn do Covid-19 gây ra, đơn cử như:

– Phí đăng ký giao dịch bảo đảm: Bằng 80% mức thu phí quy định tại điểm a, điểm b và điểm d Mục 1 Biểu mức thu phí tại Điều 4 Thông tư 202/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; và bằng 80% mức thu phí quy định tại điểm c, điểm đ Mục 1 Biểu mức thu phí tại Điều 1 Thông tư 113/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 202/2016/TT-BTC.

– Lệ phí cấp Căn cước công dân: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.

– Phí trong chăn nuôi: Bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư 24/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong chăn nuôi.

– Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt: Bằng 50% mức phí quy định tại Điều 3 Thông tư 295/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Thông tư 120/2021/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022.

2. Cá nhân cho thuê tài sản có doanh thu dưới 100 triệu/năm không phải nộp thuế
Từ ngày 01/01/2022, Thông tư 100/2021/TT-BTC quy định cá nhân cho thuê tài sản có doanh thu dưới 100 triệu/năm không phải nộp thuế GTGT, TNCN.

Cụ thể, cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN.

Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.

Hiện nay, phương pháp tính thuế đối với trường hợp này được quy định như sau:

Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.

Thông tư 100/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

3. Lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc sẽ bị xử phạt.
Chính phủ ban hành Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập, trong đó bổ sung mức xử phạt đối với hành vi xử phạt hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định.

Cụ thể, hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định sẽ bị xử phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi quy định xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn như sau:

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập;

+ Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ;

Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

+ Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế (Nội dung mới bổ sung so với hiện hành);

Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 26 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

4. Sửa quy định về lệ phí đăng ký hộ tịch
Đây là nội dung tại Thông tư 106/2021/TT-BTC ngày 26/11/2021 sửa đổi Thông tư 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, sửa quy định về lệ phí đăng ký hộ tịch như sau:

Lệ phí hộ tịch là khoản thu đối với người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc về hộ tịch theo quy định của pháp luật, không bao gồm việc cấp bản sao trích lục hộ tịch (thu phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch theo quy định tại Thông tư 281/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016).

– Lệ phí hộ tịch đối với việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, gồm: Khai sinh (bao gồm: đăng ký khai sinh không đúng hạn, đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân); khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử không đúng hạn, đăng ký lại khai tử); kết hôn (đăng ký lại kết hôn); nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi cư trú ở trong nước; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác; đăng ký hộ tịch khác.

– Lệ phí hộ tịch đối với việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Khai sinh (bao gồm: đăng ký khai sinh, đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân); khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử, đăng ký lại khai tử); kết hôn (bao gồm: đăng ký kết hôn mới, đăng ký lại kết hôn); giám hộ, chấm dứt giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch có yếu tố nước ngoài; ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; đăng ký hộ tịch khác.

(Hiện hành: Đăng ký khai sinh được chia thành đăng ký khai sinh đúng hạn và đăng ký khai sinh không đúng hạn; Đăng ký khai tử được chia thành đăng ký khai tử đúng hạn và đăng ký khai tử không đúng hạn).

– Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quy định mức thu lệ phí phù hợp.

– Miễn, giảm lệ phí hộ tịch theo quy định tại Điều 10 Luật Phí và lệ phí và khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch. (Hiện hành chỉ căn cứ vào khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch để miễn, giảm lệ phí hộ tịch).

Thông tư 106/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/01/2022.

Share.

About Author

Comments are closed.